Thức trọn một đêm chứng kiến Tết nhảy của người Dao ở bản Xuân Thắng (xã Cự Thắng- huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), nó làm cho người “ngoại đạo” có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới khác.
Nơi đất trời và con người giao hoà, quá khứ và hiện thực đan xen theo những câu hát, điệu nhảy huyền bí...
Căn nhà hẹp và mờ tối chật kín người. Tiếng trống, tiếng kèn, chuông đồng rộn rã, thúc giục. Trên vách gỗ, những bức tranh thờ kỳ bí chập chờn hư ảo. Giữa nhà, mười người đàn ông đứng tuổi mang trang phục truyền thống của người Dao, nghiêm trang, thành kính, tay rung chuông, chân lướt như bay trên nền đất theo tiếng nhạc và động tác của thầy mo...
Huyền thoại Tết nhảy.
Chủ nhân của đám Tết nhảy hôm nay là gia đình anh chị Lý Kim Hùng - Triệu Thị Loan. Gần bốn giờ chiều, ngôi nhà gỗ năm gian của anh chị đã chật kín người. Tất cả đang tất bật giúp gia chủ chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng sắp bắt đầu.
Trên bộ ghế ngựa kê ngoài sân, thầy cúng Triệu Công Dinh cặm cụi lần dở những trang sách đặc kín Hán tự ghi chép lại nguồn gốc, gia phả, những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Bằng giọng nói chậm rãi, khúc triết, ông giảng giải... Tổ tiên của người Dao mình là ở bên tít tận vùng núi phía Bắc cơ. Theo gia phả ghi chép lại thì từ lâu lắm rồi, có mấy tộc người bên đó rủ nhau đi khai sơn phá thạch tìm đất mới sinh nhai. Sau thời gian dài lặn lội băng rừng vượt núi vẫn chưa tìm được vùng đất ưng ý, đoàn người tiến đến bờ biển và quyết định đóng bè đi tiếp. Ra khơi chưa được bao lâu, bất chợt biển cả nổi cơn thịnh nộ dữ dội.
Mưa như trút nước, những cơn sóng lớn như trái núi liên tiếp đổ ập xuống như muốn nhấn chìm chiếc bè cùng đoàn người. Tính mạng của cả đoàn như chỉ mành treo chuông nặng. Con culi họ mang theo làm bầu bạn quá sợ hãi ôm mặt khóc hu hu như người càng làm họ hoang mang, lo sợ. Không ai bảo ai, cả đoàn quỳ sụp xuống vái lạy đất trời tổ tiên cầu xin cho họ được bảo toàn tính mạng vào đến đất liền an toàn.
Trên bè lúc bấy giờ có người của họ Lý, Dương, Phùng và năm nhánh người họ Triệu (Triệu Mốc, Triệu Xanh, Triệu Hạt, Triệu Con, Triệu Đỏ). Để đền ơn, người họ Triệu Mốc nguyện sẽ làm đám Chay Tập Đàng. Bốn nhánh họ Triệu và các họ còn lại hứa nếu được trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì qua được cơn bão này sẽ làm Tết nhảy mổ gà lợn múa hát trong ba ngày ba đêm để tạ ơn. "Đấy! Nguồn gốc Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt mình là như thế”.
Góc sân bên kia, cụ Lý Văn Học đang tỷ mẩn ngồi vẽ hoa văn, hoạ tiết lên những thanh gỗ mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cái mai, thuổng, lệnh bài... Cụ giải thích: “Đây là những vật dụng không thể thiếu được trong Tết nhảy. Nó tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên chúng tôi đã dùng để lao động, chống giặc giã”.
Theo lời cụ, Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao Quần Chẹt mà không phải gia đình nào muốn cũng làm được. Trước khi làm Tết nhảy, các gia đình phải làm đám Chay.
Đầu tiên là một đêm rồi hai ngày đêm, mổ lợn gà mời con cháu anh em đến dự. Sau đó phải làm tiếp lễ Lập Tĩnh hai ngày hai đêm rồi mới được phép mua bộ tranh về thờ, chuẩn bị cho những nghi lễ tiếp theo. Bộ tranh mua về phải được làm lễ Khai Quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng.
Sau lễ Khai Quang, gia chủ còn phải làm một lễ Lập Tĩnh lần hai nữa mới được phép làm Tết nhảy và phải cách 15 năm sau mới được tổ chức lại. Sau lễ này, gia đình sẽ được phép mổ trâu làm lễ Tạ Mả và được lập bàn thờ.
Cận cảnh Tết nhảy
Không phải gia đình nào cũng có thể làm được Tết nhảy, một phần do những quy định chặt chẽ của nghi lễ truyền thống, phần khác do yếu tố kinh tế. Muốn làm đám ít nhất cũng phải có 15-20 triệu đồng. Nguyên bộ tranh thờ 2 cuộn, 15 bức cũng trị giá cả chục triệu đồng. Thêm vào đó là mấy con lợn, gà, thực phẩm làm cỗ mời cả làng cùng anh em họ hàng gần xa đến ăn uống trong ba ngày ba đêm.
Trong đám Tết nhảy, cùng với bộ tranh thờ mua từ Hà Đông vẽ các tướng quân, vệ sỹ, diêm vương phán xét, gia chủ phải mời được thầy lên đồng điều hành lễ nghi, 2 thầy phụ giúp chạy cờ, chạy kiếm, múa rùa...
Mới ngồi trò chuyện được một lúc đã thấy chủ nhà dọn mâm bát mời mọi người ăn uống để kịp giờ làm lễ. Hơn chục mâm ăn với món chính là thịt lợn xếp vòng tròn vun cao trên lá chuối để giữa mâm và rượu trắng. Tham gia bữa rượu chiều hôm đó còn có cả Trưởng khu hành chính Lý Văn Minh và Bí thư chi bộ Triệu Văn Quý. Cả hai ông đều vận quần áo truyền thống dân tộc Dao sẵn sàng cho buổi lễ đêm. Bản thân Trưởng khu cũng là một thầy cúng có thể tham gia điều hành buổi lễ theo đúng phong tục.
Bữa rượu nhanh chóng kết thúc. Mâm bát được dọn sạch. Căn nhà mờ tối chật kín người đủ các lứa tuổi đứng chen chúc. Chính giữa nhà, dưới những bức tranh thờ màu sắc sặc sỡ, đường nét, hình khối kỳ bí, cổ quái, hai thầy cúng mang áo tế, đội mũ vải, cao giọng hát nói bằng tiếng dân tộc Dao mở đầu cho đêm nhảy đầu tiên.
Theo tập tục, trong ba ngày ba đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng. Trong đó bài đầu tiên, thầy cúng thay mặt gia chủ xin phép tổ tiên đã chọn được ngày lành tháng tốt để làm Tết nhảy tạ ơn.
Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chuông đồng dồn dập theo giọng hát như từ quá khứ vọng về của thầy cúng làm cho buổi lễ có một ấn tượng đặc biệt. Dứt khúc hát xin phép, thầy đồng tung gạo bắc cầu mời tổ tiên về dự và bắt đầu ốp đồng ấn chuông, thanh gõ vào những người được chọn. Một thầy cả, hai thầy phụ và tám người đàn ông được chọn đứng thành vòng tròn giữa nhà tay rung chuông, chân nhún nhảy theo tiếng nhạc và giọng hát của thầy cúng. Tất cả đều hướng mắt về phía thầy đồng để thực hiện theo các động tác của thần linh, tổ tiên chỉ bảo qua thân xác phàm tục của thầy.
Thầy đồng đi theo hướng nào, nhảy ra sao, quỳ xuống hay lăn tròn trên nền nhà thì cả chín người đàn ông còn lại đều răm rắp làm theo với độ chính xác và thành kính đến kỳ lạ. Đến lúc cao điểm, các thầy cắm mười con dao gỗ và cờ xuống nền nhà theo hai hàng ngang chỉ đi lọt bàn chân, và bắt đầu len lỏi giữa các hàng dao không theo một quy luật trật tự nào thì tôi thực sự kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến hàng người chân ríu vào nhau mà vẫn không bước chệch lối của thầy đã đi.
Bên cạnh tôi, một thanh niên thán phục thốt lên: “Khó lắm đấy. Rơi cờ còn có thể dựng lên được chứ bước chệch lối là gặp chuyện không may đấy”. Sau múa rùa là màn chạy cờ, chạy kiếm mô phỏng lại chiến công giết giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng của các vị tướng ngày trước. Chiến thắng trở về, ca khúc khải hoàn các tướng mở tiệc khao quân. Lúc này đã gần 11h đêm, các mâm ăn lại được bưng ra. Khách tham dự, chủ nhà và các thầy đồng, thầy mo mặt đỏ sậm do bữa rượu trước chưa tan, trời lạnh buốt da nhưng mấy người tham gia lễ nhảy quần áo phong phanh mà mồ hôi vẫn tướt chân tóc, tất cả lại khoanh chân ngồi vào mâm nâng chén chúc mừng gia chủ.
Tan bữa rượu lại tiếp tục lễ nhảy với những bài hát nói, điệu múa cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, sức khoẻ, may mắn trong cuộc sống; ca ngợi, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương của các bậc tiền nhân. Hết mỗi bài múa lại đến tiệc rượu.
Tôi không nhớ nổi mình đã nghe, xem hết bao nhiêu bài hát nói, múa rùa trong đêm. Chỉ biết khi nhìn xuống đồng hồ đã 5h sáng. Trong nhà, số người tham gia lễ nhảy càng lúc càng đông, các thầy cúng, thầy mo vẫn thoăn thoắt những bước nhảy nhịp nhàng, mặt vẵn thành kính như đang giao tiếp với tiền nhân.
Lách khỏi đám đông bước ra bờ ao trước nhà khi trời vẫn mờ tối, xung quanh các mái nhà tĩnh lặng im lìm chìm trong sương núi. Ngước mắt lên, dãy núi Lưỡi Hái mờ mờ như không có thật phía xa, tôi chợt thấy hoang mang không hiểu nơi mình vừa bước chân ra có phải là hiện thực hay chỉ là một giấc mơ về cuộc sống của những người Dao trong quá khứ, thời điểm các võ tướng cưỡi ngựa dẫn quân tung hoành nơi chiến trận giết giặc lập công, ca khúc khải hoàn cởi bỏ áo giáp lại cùng mọi người cầm mai, cầm phảng lên rừng phát nương làm rẫy...
Xuân Chường - Cao Khôi (VNN)
Nơi đất trời và con người giao hoà, quá khứ và hiện thực đan xen theo những câu hát, điệu nhảy huyền bí...
Căn nhà hẹp và mờ tối chật kín người. Tiếng trống, tiếng kèn, chuông đồng rộn rã, thúc giục. Trên vách gỗ, những bức tranh thờ kỳ bí chập chờn hư ảo. Giữa nhà, mười người đàn ông đứng tuổi mang trang phục truyền thống của người Dao, nghiêm trang, thành kính, tay rung chuông, chân lướt như bay trên nền đất theo tiếng nhạc và động tác của thầy mo...
Huyền thoại Tết nhảy.
Chủ nhân của đám Tết nhảy hôm nay là gia đình anh chị Lý Kim Hùng - Triệu Thị Loan. Gần bốn giờ chiều, ngôi nhà gỗ năm gian của anh chị đã chật kín người. Tất cả đang tất bật giúp gia chủ chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng sắp bắt đầu.
Trên bộ ghế ngựa kê ngoài sân, thầy cúng Triệu Công Dinh cặm cụi lần dở những trang sách đặc kín Hán tự ghi chép lại nguồn gốc, gia phả, những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Bằng giọng nói chậm rãi, khúc triết, ông giảng giải... Tổ tiên của người Dao mình là ở bên tít tận vùng núi phía Bắc cơ. Theo gia phả ghi chép lại thì từ lâu lắm rồi, có mấy tộc người bên đó rủ nhau đi khai sơn phá thạch tìm đất mới sinh nhai. Sau thời gian dài lặn lội băng rừng vượt núi vẫn chưa tìm được vùng đất ưng ý, đoàn người tiến đến bờ biển và quyết định đóng bè đi tiếp. Ra khơi chưa được bao lâu, bất chợt biển cả nổi cơn thịnh nộ dữ dội.
Mưa như trút nước, những cơn sóng lớn như trái núi liên tiếp đổ ập xuống như muốn nhấn chìm chiếc bè cùng đoàn người. Tính mạng của cả đoàn như chỉ mành treo chuông nặng. Con culi họ mang theo làm bầu bạn quá sợ hãi ôm mặt khóc hu hu như người càng làm họ hoang mang, lo sợ. Không ai bảo ai, cả đoàn quỳ sụp xuống vái lạy đất trời tổ tiên cầu xin cho họ được bảo toàn tính mạng vào đến đất liền an toàn.
Trên bè lúc bấy giờ có người của họ Lý, Dương, Phùng và năm nhánh người họ Triệu (Triệu Mốc, Triệu Xanh, Triệu Hạt, Triệu Con, Triệu Đỏ). Để đền ơn, người họ Triệu Mốc nguyện sẽ làm đám Chay Tập Đàng. Bốn nhánh họ Triệu và các họ còn lại hứa nếu được trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì qua được cơn bão này sẽ làm Tết nhảy mổ gà lợn múa hát trong ba ngày ba đêm để tạ ơn. "Đấy! Nguồn gốc Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt mình là như thế”.
Góc sân bên kia, cụ Lý Văn Học đang tỷ mẩn ngồi vẽ hoa văn, hoạ tiết lên những thanh gỗ mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cái mai, thuổng, lệnh bài... Cụ giải thích: “Đây là những vật dụng không thể thiếu được trong Tết nhảy. Nó tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên chúng tôi đã dùng để lao động, chống giặc giã”.
Theo lời cụ, Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao Quần Chẹt mà không phải gia đình nào muốn cũng làm được. Trước khi làm Tết nhảy, các gia đình phải làm đám Chay.
Đầu tiên là một đêm rồi hai ngày đêm, mổ lợn gà mời con cháu anh em đến dự. Sau đó phải làm tiếp lễ Lập Tĩnh hai ngày hai đêm rồi mới được phép mua bộ tranh về thờ, chuẩn bị cho những nghi lễ tiếp theo. Bộ tranh mua về phải được làm lễ Khai Quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng.
Sau lễ Khai Quang, gia chủ còn phải làm một lễ Lập Tĩnh lần hai nữa mới được phép làm Tết nhảy và phải cách 15 năm sau mới được tổ chức lại. Sau lễ này, gia đình sẽ được phép mổ trâu làm lễ Tạ Mả và được lập bàn thờ.
Cận cảnh Tết nhảy
Không phải gia đình nào cũng có thể làm được Tết nhảy, một phần do những quy định chặt chẽ của nghi lễ truyền thống, phần khác do yếu tố kinh tế. Muốn làm đám ít nhất cũng phải có 15-20 triệu đồng. Nguyên bộ tranh thờ 2 cuộn, 15 bức cũng trị giá cả chục triệu đồng. Thêm vào đó là mấy con lợn, gà, thực phẩm làm cỗ mời cả làng cùng anh em họ hàng gần xa đến ăn uống trong ba ngày ba đêm.
Trong đám Tết nhảy, cùng với bộ tranh thờ mua từ Hà Đông vẽ các tướng quân, vệ sỹ, diêm vương phán xét, gia chủ phải mời được thầy lên đồng điều hành lễ nghi, 2 thầy phụ giúp chạy cờ, chạy kiếm, múa rùa...
Mới ngồi trò chuyện được một lúc đã thấy chủ nhà dọn mâm bát mời mọi người ăn uống để kịp giờ làm lễ. Hơn chục mâm ăn với món chính là thịt lợn xếp vòng tròn vun cao trên lá chuối để giữa mâm và rượu trắng. Tham gia bữa rượu chiều hôm đó còn có cả Trưởng khu hành chính Lý Văn Minh và Bí thư chi bộ Triệu Văn Quý. Cả hai ông đều vận quần áo truyền thống dân tộc Dao sẵn sàng cho buổi lễ đêm. Bản thân Trưởng khu cũng là một thầy cúng có thể tham gia điều hành buổi lễ theo đúng phong tục.
Bữa rượu nhanh chóng kết thúc. Mâm bát được dọn sạch. Căn nhà mờ tối chật kín người đủ các lứa tuổi đứng chen chúc. Chính giữa nhà, dưới những bức tranh thờ màu sắc sặc sỡ, đường nét, hình khối kỳ bí, cổ quái, hai thầy cúng mang áo tế, đội mũ vải, cao giọng hát nói bằng tiếng dân tộc Dao mở đầu cho đêm nhảy đầu tiên.
Theo tập tục, trong ba ngày ba đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng. Trong đó bài đầu tiên, thầy cúng thay mặt gia chủ xin phép tổ tiên đã chọn được ngày lành tháng tốt để làm Tết nhảy tạ ơn.
Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chuông đồng dồn dập theo giọng hát như từ quá khứ vọng về của thầy cúng làm cho buổi lễ có một ấn tượng đặc biệt. Dứt khúc hát xin phép, thầy đồng tung gạo bắc cầu mời tổ tiên về dự và bắt đầu ốp đồng ấn chuông, thanh gõ vào những người được chọn. Một thầy cả, hai thầy phụ và tám người đàn ông được chọn đứng thành vòng tròn giữa nhà tay rung chuông, chân nhún nhảy theo tiếng nhạc và giọng hát của thầy cúng. Tất cả đều hướng mắt về phía thầy đồng để thực hiện theo các động tác của thần linh, tổ tiên chỉ bảo qua thân xác phàm tục của thầy.
Thầy đồng đi theo hướng nào, nhảy ra sao, quỳ xuống hay lăn tròn trên nền nhà thì cả chín người đàn ông còn lại đều răm rắp làm theo với độ chính xác và thành kính đến kỳ lạ. Đến lúc cao điểm, các thầy cắm mười con dao gỗ và cờ xuống nền nhà theo hai hàng ngang chỉ đi lọt bàn chân, và bắt đầu len lỏi giữa các hàng dao không theo một quy luật trật tự nào thì tôi thực sự kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến hàng người chân ríu vào nhau mà vẫn không bước chệch lối của thầy đã đi.
Bên cạnh tôi, một thanh niên thán phục thốt lên: “Khó lắm đấy. Rơi cờ còn có thể dựng lên được chứ bước chệch lối là gặp chuyện không may đấy”. Sau múa rùa là màn chạy cờ, chạy kiếm mô phỏng lại chiến công giết giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng của các vị tướng ngày trước. Chiến thắng trở về, ca khúc khải hoàn các tướng mở tiệc khao quân. Lúc này đã gần 11h đêm, các mâm ăn lại được bưng ra. Khách tham dự, chủ nhà và các thầy đồng, thầy mo mặt đỏ sậm do bữa rượu trước chưa tan, trời lạnh buốt da nhưng mấy người tham gia lễ nhảy quần áo phong phanh mà mồ hôi vẫn tướt chân tóc, tất cả lại khoanh chân ngồi vào mâm nâng chén chúc mừng gia chủ.
Tan bữa rượu lại tiếp tục lễ nhảy với những bài hát nói, điệu múa cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, sức khoẻ, may mắn trong cuộc sống; ca ngợi, tái hiện quá trình lao động, chiến đấu chống giặc bảo vệ quê hương của các bậc tiền nhân. Hết mỗi bài múa lại đến tiệc rượu.
Tôi không nhớ nổi mình đã nghe, xem hết bao nhiêu bài hát nói, múa rùa trong đêm. Chỉ biết khi nhìn xuống đồng hồ đã 5h sáng. Trong nhà, số người tham gia lễ nhảy càng lúc càng đông, các thầy cúng, thầy mo vẫn thoăn thoắt những bước nhảy nhịp nhàng, mặt vẵn thành kính như đang giao tiếp với tiền nhân.
Lách khỏi đám đông bước ra bờ ao trước nhà khi trời vẫn mờ tối, xung quanh các mái nhà tĩnh lặng im lìm chìm trong sương núi. Ngước mắt lên, dãy núi Lưỡi Hái mờ mờ như không có thật phía xa, tôi chợt thấy hoang mang không hiểu nơi mình vừa bước chân ra có phải là hiện thực hay chỉ là một giấc mơ về cuộc sống của những người Dao trong quá khứ, thời điểm các võ tướng cưỡi ngựa dẫn quân tung hoành nơi chiến trận giết giặc lập công, ca khúc khải hoàn cởi bỏ áo giáp lại cùng mọi người cầm mai, cầm phảng lên rừng phát nương làm rẫy...
Xuân Chường - Cao Khôi (VNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét