Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Nằm cách thành phố Hải Dương không xa, khoảng 15km về phía Tây, Văn miếu Mao Điền được biết đến là một công trình kiến trúc cổ kính, có lịch sử mấy trăm năm, thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc Đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của trấn Hải Dương xưa. 

Trong số ít các Văn miếu đến nay còn tồn tại ở Việt Nam, khu di tích lịch sử cấp quốc gia này có qui mô lớn thứ hai, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc

Những ngày đầu Xuân, rất nhiều du khách tìm đến Văn miếu Mao Điền, để thăm thú, chiêm ngưỡng một công trình văn hoá tiêu biểu của đất nước và dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, hiền tài của nước Nam.

< Tam quan Văn miếu Mao Điền.

Nhìn từ xa, Văn miếu Mao Điền trông như một toà thành lớn, nổi bật giữa màu xanh của những ruộng lúa Xuân mới cấy. Qua cổng Tam quan đồ sộ là khoảng sân rộng dẫn lên cây cầu đá cong cong duyên dáng. Bên hồ nước xanh, cây gạo cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm vẫn đang trổ lộc non trong tiết Xuân ấm áp. Phần chính của Văn miếu gồm hai toà nhà lớn là Bái đường và Hậu cung có mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng. Lầu chuông đồng, trống đại ở hai bên tả, hữu trước dãy điện thờ chính được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng tám mái bằng gỗ lim giản dị mà đẹp mắt. Những hàng cây cảnh, cây ăn quả xanh mát bao bọc xung quanh, tạo nên vẻ đẹp yên bình, tôn nghiêm của khu di tích.

Chính điện Hậu cung là nơi đặt tượng đồng, ngai thờ và bài vị thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng xuất sắc thời cổ đại và 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực, thời đại của nước ta, đó là: Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Danh nhân văn hóa thế giới - anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thần toán Vũ Hữu và Nghi ái quan - nữ Tiến sĩ đầu tiên trong hệ thống khoa cử nước ta Nguyễn Thị Duệ. Trong không gian thâm nghiêm, hương trầm thơm ngát, du khách thập phương thành tâm tưởng nhớ các bậc danh nhân, lòng càng thêm khâm phục gương sáng các bậc tiên hiền, tự nhủ lòng mình hãy rèn luyện, học hỏi để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.

< Bái đường và Hậu cung, nơi thờ Khổng Tử và 8 vị đại khoa tiêu biểu trong lịch sử Nho học Việt Nam.

Đến với Văn miếu Mao Điền, du khách còn có dịp hiểu thêm về truyền thống hiếu học của nhiều thế hệ xứ Đông qua những hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống nằm trong khuôn viên khu di tích do ngành Giáo dục- Đào tạo Hải Dương kết hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng. Đây là nơi diễn ra các hoạt động Lễ hội truyền thống, tuyên dương học sinh giỏi, gặp mặt các các vị Tiến sĩ Hải Dương hiện tại, hội thảo khoa học, diễn xướng văn nghệ dân gian…

Văn miếu Mao Điền - Lịch sử lừng lẫy

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1945, Mao Điền là một xã thuộc tổng Mao Điền huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Theo văn bia ghi lại, từ xa xưa vùng đất này vốn bằng phẳng, có nhiều cỏ lau mọc tươi tốt, tên gọi Mao Điền cũng xuất phát từ đó, bởi “Mao” có nghĩa là cỏ lau, “Điền” là ruộng cấy. Từ giữa thế kỷ thứ XV, nhà Lê với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại, đã cho xây dựng một loạt trường học trên đất nước, trong đó có Văn miếu Mao Điền.

< Lầu trống đại trước sân điện thờ.

Ngay từ thuở ban đầu, Văn miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Công trình đặt trên một gò đất cao, gồm 5 gian Bái đường và 3 gian Chính tẩm. Đồng thời với Văn miếu là trường thi Hương của trấn Hải Dương, được xây tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Hai công trình cách nhau khoảng 1km theo đường chim bay. Với vị trí địa lý nằm ở phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa, xứ Hải Dương còn được gọi là xứ Đông, là vùng “đất học”, vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá - giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràng phía trước.

Đến thời Tây Sơn (1788-1802), để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi Hương (nay là Văn miếu Mao Điền và cánh đồng Tràng). Qui mô Văn miếu rộng tới 10 mẫu (3,6ha), được xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục: Bái đường, Hậu cung mỗi tòa 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị; hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng đông và tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu, gác Khuê Văn, gác chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên quang tỉnh và Khải thánh thờ Thân phụ và Thân mẫu của Khổng Tử.

Các hạng mục đều được qui hoạch cân đối và đẹp mắt trở thành nơi diễn ra các hoạt động tế lễ và học tập rất đông vui. Hàng năm, vào ngày Đinh, đầu tháng “trọng Xuân” (tháng Hai) và “ trọng Thu” (tháng Tám), trấn Hải Dương đều tổ chức tế lễ Khổng Tử. Các quan đầu trấn, đầu phủ, cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng, nêu cao truyền thống “Hiếu học” và “Tôn sư, trọng đạo”.

Trong thời đại phong kiến, hệ thống cơ sở thờ tự Khổng Tử và tôn vinh các đại khoa nho học được xây dựng ở hầu hết các địa phương. Tại Kinh đô và các trấn (lộ, xứ) có các Văn miếu, còn các làng xã có các Văn chỉ. Tùy theo sự học phát triển mà các địa phương xây dựng Văn miếu, Văn chỉ với qui mô khác nhau. Trải dài suốt mấy trăm năm tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, có một lịch sử lừng lẫy trong đất nước, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho cả giang sơn xã tắc. Nếu chỉ tính số người đỗ đại khoa trong 185 kỳ thi từ năm 1075 đến năm 1919, cả nước có 2898 tiến sĩ thì riêng trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng nguyên, Hải Dương có 12 người. Sau khi đỗ đạt, hầu hết các vị đại khoa đều mang hết tài năng của mình để góp phần xây dựng đất nước.

< Toàn cảnh Văn miếu Mao Điền với cây gạo cổ thụ tương truyền được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801).

Văn miếu Mao Điền tồn tại khá nguyên vẹn cho tới năm 1947. Sang đến năm 1948, giặc Pháp tới chiếm đóng và lập quận Mao Điền. Suốt một thời gian dài chiến tranh, đạn bom phá huỷ, không được chăm sóc, Văn miếu dần hư hại, xuống cấp nghiêm trọng cho tới năm 1991, công trình được cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đóng góp công đức, tu bổ sửa chữa lại. Năm 1992, công trình văn hoá tiêu biểu này được Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia. Đến nay, trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và địa phương cùng những đóng góp, công đức của nhân dân, khu di tích đã dần lấy lại vẻ uy nghi, bề thế xưa kia.

Hàng năm, Văn miếu Mao Điền đón tiếp hàng chục vạn du khách thập phương, các nhà giáo, học sinh, sinh viên các cấp học về tham quan chiêm bái… Những ngày đầu Xuân mới, nhiều gia đình đưa con em đến thăm Văn miếu Mao Điền để xin chữ đầu năm lấy may, thắp hương tưởng nhớ các bậc hiền tài được thờ tự tại Văn miếu và cầu mong các vị tiên hiền phù hộ cho mọi người bền gan vững chí phấn đấu, rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Theo Quehuong online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

nghe nhạc trực tuyếnNấu món chay | học nấu ăn DJ - Ảnh đẹp | xalotinnhanh