(DĐDN) Thủy điện nhỏ là loại hình đã được xã hội hóa đầu tư từ cả chục năm nay. Tuy nhiên, do chưa có một thị trường tiêu thụ điện cạnh tranh và minh bạch nên khâu tiêu thụ sản phẩm của khu vực này vẫn đang ở thế phân phối, và bao cấp. Khi thiếu điện thì không sao, khi điện thừa thì thủy điện nhỏ sẽ là đối tượng đầu tiên bị “chèn ép”.
Diễn đàn “Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ DN” |
Các DN đầu tư thủy điện nhỏ hầu hết theo mô hình dân doanh, cổ phần nên luôn chịu thân phận “con nuôi” khi phải cạnh tranh với các mô hình “con đẻ” của EVN. Không chỉ bị ép giá, thủy điện nhỏ còn bị ép hạn chế công suất phát, hoặc thậm chí, xây dựng xong thì không được EVN mua vì... thiếu lưới truyền tải.
Ép đủ đường
Thực tế, các DN đầu tư thủy điện nhỏ đã bị “ép” ngay khi đầu tư xây dựng dự án. Với suất đầu tư cho một dự án thủy điện nhỏ khoảng 25-30 tỉ đồng/MW. Song, theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, muốn có được giấy phép xây dựng, các nhà đầu tư đã phải ký hợp đồng mua bán điện với EVN với giá rất thấp, chỉ 400 - 500 đồng/kWh, trong thời hạn nhiều năm. Giờ giá thủy điện nói chung đã là 800 - 900 đồng/kWh rồi, giá bán lẻ của EVN đã tăng cao nhưng các anh thủy điện nhỏ này vẫn bị chậm điều chỉnh. Điều chỉnh bao nhiêu, thời gian nào? Những nội dung này đang hình thành một cơ chế xin – cho giữa thủy điện nhỏ và các cán bộ quản lý của EVN.
Cách đây một thời gian, VN thiếu điện phải ký hợp đồng mua điện từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hợp đồng này ký kéo dài hàng chục năm, nên đến thời điểm này, điện của VN đã khá ổn định thì EVN lại mắc kẹt bởi cam kết, “điện chạy ngược sang Trung Quốc mà quá 5% công suất ký thì EVN bị phạt”. Đây cũng là một lý do mà vào giờ cao điểm thời gian qua, điều độ điện lực các tỉnh Hà Giang, Lào Cai lại ép các nhà máy thủy điện nhỏ phải cắt giảm phát công suất vào giờ cao điểm.
Tương lai, thủy điện nhỏ còn bị cho “ra rìa” ngay từ chính sách của Nhà nước. Ông Trần Viết Ngãi cho hay, trong thị trường phát điện cạnh tranh, chỉ những nhà máy trên 30 MW mới được tham gia thị trường. Hàng trăm nhà máy thủy điện nhỏ phổ biến hầu hết có công suất trên dưới 10 MW, đang có nguy cơ mắc kẹt.
Một bất cập khác là lúc ký hợp đồng, các chủ đầu tư thủy điện nhỏ cũng không có thỏa thuận rõ ràng về việc lưới do bên nào đầu tư. Hậu quả là khi làm xong dự án, EVN thì cho rằng đây là phần việc phải làm của nhà máy thủy điện. Ông Hà Sỹ Dinh - Phó TGĐ Cty Phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết, để làm đường dây 110 kV chiều dài 25 km đấu vào hệ thống lưới quốc gia, chúng tôi phải chi 40 tỉ đồng. Cùng đó, Cty còn bị một sức ép khác “muốn quản lý đường dây truyền tải, trạm điện thì còn phải có đủ chức năng mới được phép làm”. Rốt cục, chúng tôi buộc phải chọn hai phương án, hoặc chấp nhận tăng chi phí đầu tư, gần gấp đôi xây nhà máy, hoặc phải thuê đơn vị của EVN với giá rất cao. Riêng năm 2011, Cty của ông Dinh đã phải tốn 900 triệu đồng chỉ cho việc quản lý, vận hành hệ thống truyền tải này. Với tình thế khó khăn trăm đường như vậy, không chỉ ông Dinh mà rất nhiều chủ đầu tư thủy điện nhỏ đang thua lỗ nặng.
Cần minh bạch và bình đẳng
Đây là những mong muốn chính đáng của các DN đầu tư thủy điện nhỏ. Tính đến nay, VN đã đầu tư, xây dựng và vận hành gần 30 công trình thủy điện lớn công suất trên 100 MW, trên 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất tất cả nguồn thủy điện gần 10.000 MW, tổng điện lượng trên 40 tỉ kWh. Năm 2011, sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát ra đạt 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng sản lượng từ nguồn thủy điện nói chung, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia. Hiện thủy điện nhỏ đang đạt khoảng 45% trữ năng, còn khoảng 55% trữ năng đang chờ khai thác.
Dư địa để phát triển thủy điện nhỏ vẫn còn rất lớn và nó phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo một thị trường mua bán điện cạnh tranh, minh bạch. Theo ông Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình), từ 1/7/2012 thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào hoạt động. Cục Điều tiết Điện lực đã ban hành danh sách 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Nhìn vào danh sách này có thể thấy, các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn đang là những đối tượng “không trong danh mục”. Nhiều chuyên gia nhận xét, đã gọi là thị trường cạnh tranh thì phải có người mua, người bán và họ phải độc lập, không phụ thuộc ai cả. Còn hiện nay, TCty và Cty mua bán điện cả nước trực thuộc EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trực thuộc EVN, TCty Truyền tải điện quốc gia trực thuộc EVN, năm TCty điện lực miền trực thuộc EVN, 62 Cty điện lực các tỉnh, thành trực thuộc EVN, tất tần tật trực thuộc EVN. Như vậy thì khó có thị trường cạnh tranh?
Đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường điện cạnh tranh là nội dung vừa được Hiệp hội Năng lượng VN đưa ra kiến nghị tới các cơ quan trung ương. Theo đó, một thị trường mua bán điện cạnh tranh và minh bạch cần sớm triển khai từ năm 2015 (thay vì 2020 như kế hoạch). Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Tổng sơ đồ điện VII và tháo gỡ phần nào khó khăn cho các DN, thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, Hiệp hội Năng lượng VN và các nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Công Thương cần tăng giá mua điện cho các DN lên bằng 80% giá bán điện thương phẩm bình quân và được điều chỉnh hàng năm theo giá bán điện thương phẩm; cho các nhà máy thủy điện dưới 30 MW tham gia thị trường phát điện.
Với 55% trữ năng còn lại, thủy điện nhỏ cũng chiếm một tỉ trọng rất đáng kể khi nhu cầu về phát triển điện sạch luôn được ưu tiên. Ông Vũ Ngọc Cừ - Phó Chủ tịch Hội DN tỉnh Lào Cai nhận định, đầu tư thuỷ điện không đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thuỷ điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đường điện đấu nối truyển tải xa…
Các DN kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ban ngành, Tập đoàn Điện lực VN cần có những cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ thu hồi vốn nhanh, khấu hao nhà máy và tiến tới có lãi. Muốn làm được như vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần ban hành khung giá mua điện hợp lý để giảm bớt những khó khăn cho các nhà đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ. Thứ hai, các DN thủy điện nhỏ mong muốn ngành điện đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp lưới điện 220kV và 110kV có đủ khả năng truyền tải điện từ các dự án thuỷ điện khi đã hoàn thành. Cuối cùng nhưng có lẽ là khẩn thiết nhất, các DN thủy điện nhỏ đề nghị được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các nhà máy thủy điện nhỏ, đặc biệt, đề nghị Bộ Tài chính xem xét về chính sách thuế tài nguyên nước trong thủy điện được đánh đúng giá EVN mua điện.
Những kiến nghị trên nhằm hướng tới một thị trường điện minh bạch và bình đẳng. Đây là những tiền đề giúp các DN yên tâm đầu tư, khai thác triệt để nguồn tài nguyên nước quý báu mà không phải quốc gia nào cũng có được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét